Tập trung vào golf trẻ, cổ vũ golf phong trào và tầm nhìn cho golf chuyên nghiệp đang những chiến lược quan trọng của VGA trong phát triển Golf Việt Nam vươn ra khu vực.
Xin trích trọn vẹn những tổng kết chi tiết và tâm huyết của Phó TTK Hiệp hội Golf Việt Nam ông Phạm Thành Trí về golf trẻ và golf chuyên nghiệp.
1. Golf trẻ Việt Nam
Được đăng cai lần đầu tiên tại sân golf Ocean Dunes vào năm 2010 giải Vô địch Golf trẻ Việt Nam đã được Hiệp hội Golf Việt Nam và Tổng cục Thể dục Thể thao đưa vào hệ thống giải golf thường niên dành cho các tay golf trẻ. Năm 2018 đánh dấu mốc 8 năm tổ chức giải Vô địch Golf golf trẻ Việt Nam mở rộng tổ chức tại sân golf Hồ Tràm, Bà Rịa Vũng Tàu. Sân golf Hồ Tràm cũng chính là đơn vị đã đăng cai giải Vô địch Golf golf trẻ Việt Nam mở rộng 2016,2017,2018 và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp đối với những người tham dự trong cả ba lần đăng cai.
Trong thời gian trên phải kể đến công sức của Giải golf trẻ Hà Nội do ông Nguyễn Huy Tiến (Phụ trách môn Golf của Trung tâm HL & TD TDTT Hà Nội) và PGA Phạm Minh Đức (từ 2010), Giải golf trẻ của Tạp chí Vietnam Golf Magazine do bà Vũ Thi Vân Yến- Phó TBTvà Tập đoàn BRG (từ 2015), Giải golf trẻ phía Nam do ông Ngô Thế Hào- Phó TTK Hiệp hội golf VN (từ 2011), Giải golf trẻ của Hà Nội Academy do Nguyễn Thái Dương (từ 2015), Giải golf trẻ của Bà Rịa- Vũng Tàu do Tăng Thị Nhung, Giải golf trẻ của Hải Phòng … giúp golfer trẻ ở các thành phố hàng tháng, quý được thi đấu, tập luyện để thi đấu ở giải Vô địch Golf golf trẻ Việt Nam mở rộng.
Ngay từ những giải đấu lần đầu, Hiệp hội Golf Việt Nam đã đăng ký với R&A để đưa Giải Vô địch Golf trẻ Việt Nam mở rộng vào hệ thống các giải đấu được xếp hạng thế giới dành cho các tay golf nghiệp dư (WAGR), từ đó tạo sức hút đối với các tay golf trẻ có thứ hạng cao trong khu vực đăng ký tham dự. Hàng năm Nick Faldo serie được tổ chức tại Việt Nam để golfer trẻ Việt Nam có cơ hội cọ sát cùng các golfer trẻ thế giới . Hiệp hội Golf Việt Nam cũng mời các tay golf Nghiệp dư trẻ hàng đầu của các quốc gia trong khu vực, vừa là để tạo cơ hội cọ sát lớn cho các tay golf Việt Nam, đồng thời cũng giúp nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng xếp hạng thế giới cho Giải Vô địch Golf trẻ Việt Nam mở rộng và làm cho tính chất cạnh tranh thêm phần khốc liệt. Qua từng giải đấu, chúng ta có sự so sánh rõ ràng về sự chênh lệch trình độ của golf Việt Nam với golf khu vực, từ đó chúng ta học hỏi thêm và có những kế hoạch phát triển phong trào golf phù hợp. Đã có những tín hiệu đáng mừng như Hanako Kawasaki được xếp hạng nghiệp dư thế giới 1593 đã vượt qua Isabella Leung (XH 598) và Nguyễn Thảo My (XH 329) để giành ngôi Vô địch VLAO 2018.
Hiệp hội Golf Việt Nam đã làm việc với R&A để đưa Huấn luyện viên nước ngoài vào dạy miễn phí cho golfer trẻ tiềm năng Việt Nam và sẽ tổ chức các lớp học golf miễn phí trong các ngày nghỉ cho golfer trẻ (trước hết tại địa bàn TP Hà Nội) để tìm những tài năng bồi dưỡng thành golfer trẻ tiềm năng Việt Nam từ đầu năm 2019. Đã có một người Thái Lan cam kết nếu tìm được golfer trẻ tiềm năng Việt Nam sẽ có những Tập đoàn kinh tế Thái Lan đầu tư để trở thành những golfer chuyên nghiệp. Thái Lan là nơi đào tạo golf tốt phù hợp với Việt Nam về chi phí và chất lượng. Golfer nữ Việt Nam như Nguyễn Thảo My, một số golfer Thái gốc Việt có thứ hạng cao trên xếp hạng thế giới dành cho các tay golf nghiệp dư (WAGR) đều chỉ tập luyện tại Thái Lan.
2. Giải Vô địch Golf Chuyên nghiệp Quốc gia
Từ năm 2014, các quy định của Luật về tình trạng Nghiệp dư đã được áp dụng chặt chẽ hơn tại các giải golf Quốc gia. Số lượng các tay golf bị mất tư cách Nghiệp dư vì tham gia dạy golf và kiếm tiền từ công việc có liên quan tới dịch vụ golf ngày càng tăng lên do nhu cầu tập chơi golf tại Việt Nam tăng mạnh. Từ đó dẫn tới yêu cầu phải có sân chơi riêng cho những tay golf không còn tình trạng Nghiệp dư này (khi đó được gọi là các tay golf Non-Amateur). Tuy nhiên, do điều kiện tài chính còn hạn chế, Hiệp hội Golf Việt Nam chưa thể tổ chức riêng một giải đấu chuyên nghiệp ở tầm quốc gia mà mới chỉ dừng lại ở việc ghép thêm một bảng Chuyên nghiệp trong giải Vô địch Golf Nghiệp dư Quốc gia Mở rộng với mức tiền thưởng còn khiêm tốn.
Năm 2015 trong Giải Vô địch quốc gia đã có bảng chuyên nghiệp nhưng tiền thưởng còn hạn chế. Cuối năm 2016, Hiệp hội Golf Việt Nam tổ chức Giải Vô địch Golf Chuyên nghiệp Quốc gia song song với giải Vô địch Golf Đối kháng Quốc gia tại sân golf BRG Ruby Tree, TP Hải Phòng. Tuy mức tổng giải thưởng mới chỉ có 100 triệu đồng, giải đấu đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các golfẻ không còn tình trạng Nghiệp dư. Nối tiếp thành công của giải đấu này, các giải golf Vô địch Chuyên nghiệp Quốc gia 2017 và Vô địch Chuyên nghiệp Quốc gia 2018 được tổ chức với giá trị tiền thưởng ngày càng cao hơn, công tác tổ chức và chuyên môn được chú trọng hơn. Những trận so tài được đánh giá cao và đầy gay cấn khi những vị trí dẫn đầu có sự thay đổi liên tục, thể hiện tinh thần thi đấu quyết liệt của các tay golf tham dự giải. Ba tay golf Vô địch qua các năm lần lượt là Lê Hữu Giang, Nguyễn Hữu Quyết và Nguyễn Văn Bằng.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay để có thể tổ chức một giải golf Chuyên nghiệp Quốc gia có quỹ giải thưởng lớn chính là khó khăn trong công tác vận động tài trợ. Dự kiến trong thời gian sắp tới, Hiệp hội Golf Việt Nam sẽ làm việc với các đối tác là các công ty, tập đoàn lớn để tìm kiếm nguồn tài trợ thường xuyên, tạo điều kiện cho việc tổ chức một hệ thống nhiều giải Chuyên nghiệp trong một năm. Ngoài ra Hiệp hội Golf Việt Nam cần sự ủng hộ của Giới truyền thông để có thể đưa thêm nhiều thông tin về Giải golf Chuyên nghiệp Quốc gia đến khán giả. Năm 2018 Hiệp hội Golf Việt Nam sẽ tổ chức thêm ba giải golf chuyên nghiệp: 30/10-2/11/2018 tại sân Long Biên, 27/11-2/12/2018 (trong Đại hội thể dục thể thao toàn quốc môn golf) tại sân King- Đồng Mô, 26-29/12/2018 Vô địch đối kháng quốc gia 2018 tái ân Đức Hoà, Long An. Hiệp hội Golf Việt Nam sẽ công bố danh sách golfer thi đấu ở Giải golf chuyên nghiệp Việt Nam (Vietnam Professional Golf tour – VPG tour) và đề nghị các sân golf cho chơi chỉ phải trả phí caddie để tăng cường thi đấu tập luyện. Hiệp hội Golf Việt Nam đang trình Bộ VHTTDL phê duyệt Quy chế golf chuyên nghiệp và tổ chức các Giải đấu chuyên nghiệp quốc gia đúng như trách nhiệm và quyền hạn của mình . Năm 2019 Hiệp hội Golf Việt Nam sẽ tổ chức Hệ thống Giải chuyên nghiệp Việt Nam (VPG Tour) gồm 6 Giải đấu với số tiền thưởng từ 500 triêu đến 1 tỷ để thúc đẩy phong trào golf chuyên nghiệp Việt Nam phát triển nhanh chóng. Hiệp hội Golf Việt Nam kết hợp với Asian tour tổ chức 1-2 Giải golf chuyên nghiệp thế giới tại Việt Nam và Tổ chức xếp hạng golf thế giới (OWGR) sẽ xếp hạng Hệ thống Giải chuyên nghiệp Việt Nam (VPG Tour) để golfer chuyên nghiệp Việt Nam không phải đi ra nước ngoài thi đấu nhưng vẫn được xếp hạng thế giới.